-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Cách dạy trẻ chỉ tay
22/06/2022
DẠY TRẺ CHỈ TAY
Chỉ trỏ là kĩ năng thường xuất hiện ở mốc 6-9 tháng, trẻ chỉ tay để thể hiện nhu cầu và thu hút sự chú ý của người khác, nếu trẻ 15-18 tháng mà chưa biết chỉ tay thì đó là dấu hiệu nghi ngờ về tự kỉ và cần dạy trẻ biết chỉ tay.
Chỉ tay là kĩ năng giao tiếp không lời cần được dạy cho trẻ tự kỉ. Bố mẹ có con tự kỉ có thể tham khảo các bước để con học dần kĩ năng quan trọng này.
Trẻ tự kỉ cần học kĩ năng chỉ tay
Nhiều trẻ tự kỉ không học được cách chỉ tay nếu chỉ quan sát người khác làm điều đó. Trẻ cần được giúp đỡ thêm để học kĩ năng này.
Chúng ta muốn dạy trẻ tự kỉ sử dụng các phương tiện giao tiếp cao cấp hơn nhưng chỉ tay là một kĩ năng giao tiếp không lời quan trọng cần được dạy.
Học để chỉ tay đến mục tiêu nhằm đưa ra yêu cầu là một kĩ năng mà trẻ bình thường có được vào đầu tuổi lên 2 và là một điều kiện tiên quyết quan trọng để học tập cách sử dụng các phương tiện giao tiếp mang tính biểu tượng. (Potter, C. & Whittaker, C., 2001, 98)
LÝ DO TRẺ KHÔNG CHỈ TAY:
- thiếu sự chia sẻ mối quan tâm chú ý chung, không có nhu cầu và kĩ năng chia sẻ niềm vui thích với người khác, không biết cách thu hút sự chú ý của người khác
- không hiểu rằng chỉ tay là cách thể hiện và lựa chọn thứ mình thích mình cần
- không hình dung có một đường kết nối từ ngón tay tới đồ vật
- hạn chế về kĩ năng vận động tinh và bắt chước: cầm nắm và chụm xoè ngón tay
CÁCH THỨC DẠY TRẺ CHỈ TAY:
1. Nương theo sự dẫn dắt của trẻ: quan sát, lắng nghe xem trẻ thích gì và chờ cơ hội hoà cùng trò chơi trẻ thích
2. Đưa ra xa dần: khi biết được thứ trẻ thích, cầm nó đưa ra xa, đủ xa khiến trẻ phải với lấy, khi trẻ với tới thì đưa nó cho trẻ và khen trẻ "với giỏi/với tốt", rồi lại đẩy xa dần hơn chút (ban đầu có thể trẻ ăn vạ hoặc bỏ qua), hãy thử vào lúc khác để giúp trẻ hiểu hơn đó là thứ mình thích và có sự kết nối, ta sẽ chuyển dần từ với tay (bàn tay mở) sang động tác chỉ trỏ (ngón tay trỏ)
3. Làm mẫu: Khi trẻ khóc thì hãy "Nói-Cho trẻ thấy và Giúp đỡ": nói với trẻ "với lấy" hoặc "chỉ vào"; nếu trẻ không tự làm thì tay bắt tay trẻ làm; duỗi đẩy ngón trỏ chỉ vào vật
4. Lặp lại và phóng đại: kiên trì làm như vậy mỗi khi đưa ra đồ chơi trẻ thích, tạo ra điệu bộ nét mặt âm giọng vui thích
5. Củng cố luyện tập: tận dụng mọi cơ hội trong sinh hoạt hàng ngày, chăm chú quan sát và khích lệ trẻ thật hào hứng khi trẻ chỉ vào đồ vật, hình ảnh và người.
6. Tạo thói quen dùng ngón tay trỏ qua trò chơi: chi chi chành chành, ấn phím đàn, ấn đất/bột nặn tạo dấu, chọc thủng bong bóng xà phòng...
7. Khi con nắm tay bạn và kéo tay bạn lên về phía tủ lạnh để yêu cầu nước trái cây, bạn hãy mở tủ lạnh, cầm tay bé và định hình hướng về một điểm rõ ràng bằng ngón tay trỏ của bé và chạm vào thùng chứa nước với ngón tay của bé. Tiếp tục bằng cách này, “cầm tay chỉ việc” cho bé mỗi khi bé yêu cầu đồ vật nào đó.
8. Bạn sẽ tăng từ từ khoảng cách giữa các ngón tay của con và các đồ vật, theo thời gian bé sẽ học được cách chỉ tay từ các khoảng cách. Lặp lại nhiều lần trong nhiều ngày với nhiều đồ vật và con bạn sẽ học được kĩ năng quan trọng này, và biết cách sử dụng nó trong các hoạt động.
Điều quan trọng là bạn giảm dần sự nhắc càng sớm càng tốt để con bạn dần độc lập trong việc chỉ tay vào những thứ bé muốn.
Trẻ tự kỉ có xu hướng “tưởng lầm” nhắc như là một phần của hoạt động và không chủ động làm nếu không được nhắc – điều này được gọi là phụ thuộc nhắc. Bạn muốn tránh điều này thì cần giảm dần sự hỗ trợ càng nhanh càng tốt đáp ứng theo khả năng học của bé.
Dạy trẻ tự kỉ cách khoe đồ vật
Bây giờ bạn đã học được một số chiến lược để dạy cho con bạn đưa ra yêu cầu bằng cách chỉ tay; nhưng để bình phẩm hay khoe đồ vật thì sao? Đây là một việc khó khăn hơn nhiều vì trẻ tự kỉ thường không quan tâm đến việc "chia sẻ cảm xúc" hay nói/cho ý kiến về điều gì đó.
Nhà chuyên môn khuyên bạn nên tham gia cùng con trong các hoạt động như vẽ, tô màu hay trò chơi xếp hình (bất cứ điều gì con bạn thích hoặc tìm kiếm) và khuyến khích bé khoe các sản phẩm cuối cùng hoặc thành quả đạt được với những “đối tượng an toàn”. “Đối tượng an toàn” là một người trẻ không sợ bị cướp mất hoặc phá hỏng đồ vật yêu thích của trẻ (một số anh chị em của trẻ có thể được coi là “đối tượng đe dọa” ). Khuyến khích con của bạn khoe các sản phẩm đồng thời luôn nhớ đáp lại bé bằng những phản hồi tích cực. Một lần nữa, hỗ trợ bằng cách “cầm tay chỉ việc” là cần thiết và đòi hỏi sự lặp lại nhiều lần.
St