nhung-phuong-phap-choi-voi-tre-tu-ky-ma-ban-co-the-chua-biet

Những phương pháp chơi với trẻ tự kỷ mà bạn có thể chưa biết

Đặng Tiến 19/08/2019

Phương pháp chơi và đồ chơi của trẻ tự kỷ!

Trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong việc chơi, vì trẻ có khiếm khuyết trong giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi rập khuôn.

 

Chơi là một phương tiện trung gian nhằm giúp trẻ phát triển kỹ năng nhận thức như giải quyết vấn đề, sắp xếp thứ tự và bắt chước.

Chơi cũng hỗ trợ sự phát triển của ngôn ngữ, kỹ năng vận động, tương tác xã hội và hiểu biết và giao tiếp với người khác. Trẻ tự kỷ thường có các rối loạn các quá trình cảm giác, chơi và đồ chơi có thể giúp cho trẻ điều hòa các giác quan.

Để trẻ tự kỷ chơi được trước hết chúng ta cần phải:

XÁC ĐỊNH KHẢ NĂNG CHƠI CỦA TRẺ

Quan sát trẻ chơi sẽ giúp ta hiểu khả năng chơi của trẻ và xác định những lĩnh vực chơi cần triển khai thêm. Trẻ tự kỷ gặp khó khăn về chơi với những kỹ năng sau đây:

– Quan sát và bắt chước trò chơi của người khác

– Đọc ý của người khác

– Hiểu qui tắc, luật lệ

– Luân phiên

– Theo một chuỗi hướng dẫn

– Thay đổi trò chơi

– Hiểu điều trẻ muốn làm và người khác muốn làm có thể khác nhau

– Linh động trong vai trò của mỗi người trong trò chơi

– Chơi giả vờ.

Khi quan sát trẻ chơi, ta cần tự đặt các câu hỏi dưới đây:
Câu hỏi 1. Trẻ có thích vài đồ chơi nào không? Đồ chơi nào được trẻ thích nhất? Trẻ có thích những đồ chơi quay, chuyển động, hay đồ chơi có chất liệu đặc biệt? thứ gì trẻ sợ hoặc ghét nhất?

Câu hỏi 2. Trẻ dùng đồ chơi như thế nào? Quan sát xem trẻ có xếp thành hàng hoặc phân loại đồ chơi, có hành động lặp đi lặp lại, dùng đồ chơi không phù hợp …

Câu hỏi 3. Trẻ thích loại trò chơi nào?Trò chơi ồn ào, im lặng, xây dựng, trốn tìm hoặc tương tác với người khác…

Câu hỏi 4. Trẻ có chơi với ai không? Quan sát cách trẻ tương tác với người lớn và các trẻ khác.

 

XÁC ĐỊNH CÁC MỨC ĐỘ CHƠI CỦA TRẺ TỰ KỶ

1. Mức độ phát triển chơi
Chơi tạo cảm giác và thăm dò: Trẻ bỏ đồ chơi vào miệng, vẫy, ném, đập đồ chơi lặp đi lặp lại; hoặc dành nhiều thời gian lật úp hoặc thao tác đồ vật một cách rập khuôn.

 

Chơi quan hệ: Như đập đồ vật với nhau, xếp hàng đồ vật bên cạnh nhau, phân loại đồ vật hoặc chơi xây dựng như tập hợp hay tháo rời, hoặc nối kết các mảnh của một đồ vật
Chơi chức năng: Trẻ dùng đồ vật với chủ đích như đẩy xe hoặc đặt tách vào miệng.

Chơi biểu tượng/tưởng tượng: Tưởng tượng đồ vật vô tri vô giác( Vd: búp bê và thú nhồi bông) và khả năng giả vờ (áp một khối gỗ vào tai và giả vờ là điện thoại). Tuy nhiên, các nghiên cứu trẻ tự kỷ cho thấy trẻ kém khả năng phát triển trò chơi biểu tượng

2. Mức độ chơi xã hội

Chơi một mình:

Trẻ chơi một mình với đồ chơi , không khởi xướng chơi tương tác với người khác.

Chơi song song:

Ở giai đoạn này, trẻ ý thức hơn về những người lớn và trẻ em trong không gian chơi của trẻ. Trẻ có thể ngưng chơi để quan sát nhanh hành động của người khác, nhưng không tự động đến gần người khác để cùng chơi.

Trẻ có thể chia sẻ một đồ chơi trong thời gian ngắn, nhưng mỗi trẻ tiếp tục chơi theo “chủ đề” của trẻ.

Chơi hợp tác:

Ở mức độ này trẻ chứng tỏ khả năng hợp tác trong một chuỗi trò chơi với các bạn. Chơi xã hội phát triển từ chơi luân phiên với người lớn như chơi trốn tìm, đuổi bắt…

Trẻ tự kỷ khó chơi hợp tác vì sự khiếm khuyết xã hội và giao tiếp.

 

NHỮNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CHƠI DỰA VÀO KỸ NĂNG CHƠI CỦA TRẺ TỰ KỶ

1. Phát triển kỹ năng ở mỗi mức độ phát triển chơi
Đối với chơi tạo cảm giác:
Động viên trẻ thám hiểm môi trường chơi bằng cách củng cố việc cầm và quan sát đồ chơi, rồi thực hiện một số thao tác đơn giản với đồ vật bằng một tay, trong khi làm một cử chỉ khác với tay kia (vd. vịn tủ trong nhà búp bê trong khi mở và đóng cửa).

Đối với chơi quan hệ:
Củng cố trò chơi nối kết hai vật hoặc những phần khác nhau của một đồ vật ví dụ: đập các đồ vật với nhau; xếp hàng, cặp đôi hoặc tập hợp những đồ vật cùng loại.

Đối với chơi chức năng:
Chơi chức năng đơn giản – Dạy trẻ dùng một đồ vật với một chủ đích vd.đẩy xe tải quanh phòng, chạm cốc để lên miệng như để uống “khà”, cho búp bê ăn…

Chơi chức năng phức tạp – Trẻ được dạy cách thực hiện tối thiểu hai hành động để tạo một tác động vd.đẩy hộp đồ chơi, nhắm mắt và nhấn nút…

Đối với chơi tưởng tượng:
Chơi tưởng tượng đơn giản: dùng một đồ vật tượng trưng cho một vật khác, như dùng khối tượng trưng cho xe lửa, ghế tượng trưng cho ngựa…Chơi tưởng tượng đơn giản, hành động trên người khác: ví dụ: cho búp bê uống sữa…

Chơi tiêu biểu bằng cách dùng tối thiểu 2 hành động trên bản thân.Vd: giả vờ rót nước và uống bằng ly; đội nón và đẩy xe tải chứa đồ chơi quanh nhà, chất khối lên xe rồi đổ khối xuống khi xe dừng lại…

2. Phát triển kỹ năng xã hội

Đối với chơi một mình
Nguyên tắc chính là hỗ trợ trẻ tương tác với người khác: Người chăm sóc ngồi bên cạnh trẻ cố gắng gây sự chú ý của trẻ đang chơi bằng cách bắt chước hành động và âm thanh của trẻ.

Hoặc chơi với một đồ vật trẻ thích và giúp trẻ tham gia chơi khi trẻ đến gần để lấy lại món đồ chơi. Người lớn chơi ở tầm mức của trẻ với những đồ chơi trẻ thích như: Nước/cát, khối, âm nhạc…

Đối với chơi song song
Nguyên tắc chính ở giai đoạn này là giới thiệu trò chơi khám phá và xã hội nhiều hơn. Vd: Chia sẻ sự chú ý liên kết, đáp ứng với những nhu cầu cơ bản, động viên chơi luân phiên.

Ví dụ: Bố trí một cặp người lớn với trẻ ngồi cạnh một cặp người lớn và trẻ khác. Mỗi cặp chơi giống nhau, và người lớn kéo sự chú ý của trẻ qua cách chơi của cặp kia. Khuyến khích mọi cố gắng của trẻ quan tâm và chia sẻ sinh hoạt với cặp kia.

Đối với chơi hợp tác
Được phân ra nhiều bước cụ thể. Một trong những nguyên tắc khi chơi với trẻ tự kỷ ở giai đoạn này là nới rộng nhu cầu tương tác với người khác;

Động viên sự chọn lựa; tiếp tục nhấn mạnh chia sẻ chú ý liên kết; phát triển kỹ năng đương đầu với việc thay đổi sinh hoạt/chuyển tiếp; và chờ đến phiên.

Ví dụ: Giới thiệu sinh hoạt nhóm như hát/chơi nhạc, chơi nước/cát, trò chơi xây dựng chung. Dùng lời nói đơn giản và/hoặc công cụ nhìn để minh họa những hành động trẻ cần thực hiện trong sinh hoạt, làm mẫu cho trẻ xem . Dùng “rổ xong rồi” để cho trẻ biết khi nào kết thúc trò chơi.

 

MỘT SỐ ĐỒ CHƠI DÀNH CHO TRẺ TỰ KỶ

1. Đồ chơi hấp dẫn về thị giác
Điểm mạnh của trẻ tự kỷ là học bằng thị giác, vì vậy những đồ chơi, đồ vật hấp dẫn về thị giác có kết hợp với chuyển động và âm thanh kết hợp vận động của tay đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển chú ý chung của trẻ tự kỷ. Một số ví dụ về đồ chơi:

 

– Thổi bóng xà phòng

– Ô tô dây cót có âm thanh và ánh sáng, đóng mở cửa

– Chóng chóng

– Lô gô, đồ chơi chồng lắp.

– Thả hình vào cột hoặc hộp

– Đàn gõ

– Vòng lò xo ngũ sắc

– Bóng gai phát sáng.

– Các đèn phát sáng màu khác nhau

– Ghép hình.

– Tranh ảnh (ánh chụp, lô tô, sách tranh, truyện, tranh chủ đề…)

2. Đồ chơi giả vờ
Để phát triển chơi tương tác với người khác và khả năng tưởng tượng. Ví dụ một số đồ chơi:

– Búp bê, thú bông

– Bộ cốc chén, nấu ăn…

– Bộ cắt hoa quả

– Bàn chải, lược, bát thìa, giấy ăn…

– Nhà, ô tô, ….

– Trò chơi giả vờ: đóng vai

3. Đồ chơi vận động tinh
Để phát triển kỹ năng vận động phối hợp tay mắt, bắt chước, sự kiên trì, điều hòa rối loạn cảm giác.

– Bảng từ, giấy, bút sáp và chì mầu…

– Đất nặn

– Kéo cắt, giấy màu

– Xâu con giống, hạt..

– Lô gô, lắp ghép

– Nhặt vật nhỏ, gấp, xé, bóc, kẹp…

4. Các trò chơi tạo sự uyển chuyển
Có tác dụng tạo không khí vui nhộn, tương tác và điều hòa vận động

– Bài hát đồng giao kết hợp với các động tác cơ thể: Nu na nu nống, kéo cưa, nhong nhong, chi chành, đập “je”, dung dăng dung dẻ…

– Bài hát về cơ thể kết hợp động tác…

– Bài hát về con vật kết hợp với các động tác.

5. Đồ chơi vận động cơ thể
Trẻ thích tham gia vào loại trò chơi này hơn là vì ít cần óc tưởng tưởng, ít phải dùng ngôn ngữ, nó làm giảm hành vi định hình, cải thiện điều hòa vận động. Ví dụ:

– Cầu trượt, xích đu, bập bênh…; Đá, ném bóng…

– Lăn hoặc nhún trên bóng to; Bàn nhún, câu thăng bằng…

– Kéo dây chun; Xe đạp, xe lắc

 

MỘT SỐ HƯỚNG DẪN KHI CHƠI VỚI TRẺ

– Tạo ra ngang tầm mắt với trẻ, cố gắng tạo ra sự chú ý của trẻ vào người chơi và người chơi cũng phải chú ý vào hành động trẻ đang làm

 

– Dùng từ thật đơn giản hướng tới vật trẻ đang nhìn hoặc hành động trẻ đang làm. Ví dụ trẻ nhìn thổi bóng thì nói “bóng”, chọc ngón tay vào bòng nổ thì nói “bùm”…

– Chơi hồn nhiên, bắt chước hành động chơi của trẻ, tạo không khí vui nhộn, hào hứng mới thúc đẩy được trẻ tương tác với người chơi.

– Có thể lặp đi lặp lại một số từ lệnh, tạo sự tiên lượng ở trẻ, ví dụ: môt, hai…ba “mở”, giơ tay chờ đợi hành động đập “je”.

– Có phần thưởng: Khi trẻ làm được phần thường là lời khen ngợi và kết hợp tác động vui nhộn vào cơ thể hoặc đồ ăn hoặc thứ trẻ thích.

– Các đồ chơi nên xếp riêng từng loại vào từng hộp nhựa có nắp và dán nhãn bên ngoài là ảnh hoặc biểu tượng về đồ chơi đó, trẻ chơi từng thứ một, chơi xong dạy trẻ cất phải cất gọn gàng ngăn nắp.

Nên có rổ có biểu tượng “xong rồi” đi cùng mỗi khi chơi để yêu cầu trẻ kết thúc trò chơi. Hỗ trợ trẻ nếu trẻ không biết chơi theo cách “ cầm tay chỉ việc và giảm dần sự giúp đỡ”

– Với trẻ chưa biết chơi hoặc mức độ nặng thì ban đầu khi chơi cần 2 người: một người là đối tác chơi, một người hỗ trợ trở chơi, sâu đó đổi lại vai.

– Các trò chơi nhóm nên tạo cho trẻ sự chờ đợi và biết lượt chơi.

Món quà mà bố mẹ trao tặng cho trẻ là sự phát triển toàn diện để trẻ có được tương lai tươi sáng, hãy chia sẻ thông tin này đến với mọi người nếu bạn thấy hữu ích...

Theo Thúy Hà/ Gia Đình Việt Nam

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN